Tuổi thơ thời loạn trong văn Nguyễn Trí

Có một thời niên thiếu bình yên với cánh diều cùng đồng ruộng mênh mông là ước mơ của con trẻ. Nhưng sự tàn khốc của chiến tranh đã cướp đi tất cả những điều giản dị ấy.

Không có một tuổi thơ trọn vẹn là thiệt thòi lớn nhất của bất kì đứa trẻ nào. Tất cả những cô bé, cậu bé trong tập truyện dài Tuổi thơ không có cánh diều của Nguyễn Trí điều phải chịu sự thiệt thòi ấy.

Có cha làm lính Việt Nam cộng hòa, cuộc sống trong những khu gia binh thật chẳng dễ dàng gì với những đứa trẻ như: Bình Lùn, Minh Hai, Phòng Rỗ, hay anh em Suông. Chúng luôn phải chuẩn bị tâm lý trôi dạt theo bước chân người cha đến các vùng căn cứ địa mới. Trong khi người lớn còn chẳng an cư được, làm sao những đứa trẻ dám mơ đến một tuổi thơ trọn vẹn.

Lấy bối cảnh khu gia binh của chính quyền Việt Nam cộng hòa những năm cuối 1960, Nguyễn Trí đã quan sát chiến tranh dưới góc nhìn của trẻ thơ. Với những đứa trẻ tội nghiệp ấy, chúng không có khái niệm hoàn chỉnh về một ngôi nhà theo đúng nghĩa. Nhà với chúng là một nơi được dựng lên tạm bợ và có thể được dỡ ra bất cứ lúc nào, nếu có lệnh của người cha. Lũ trẻ dường như đã quen với cuộc sống chắp vá, đơn sơ, quen với việc vừa phải gặp mặt đã phải chia tay chúng bạn. Việc học hành có thể lỡ dỡ bất cứ lúc nào khi mà súng đạn còn rền vang đầy trời.

Bình - nhân vật trung tâm của tác phẩm là một cậu bé hiếu học. Bình đã phải nỗ lực rất lớn để được tới trường giữa thời bom đạn ấy. Cậu bé phải chấp nhận xa mẹ, xa đứa em mới sinh để đến ở nhờ nhà họ hàng nhằm đảm bảo cho việc học. Có những lúc Bình được điểm cao, cậu muốn chạy về sà ngay vào lòng mẹ để được âu yếm, được cưng nựng. Nhưng Bình chợt giật mình tủi thân đến trào nước mắt vì lúc này em cũng không biết mẹ đang ở đâu.

Truyện dài Tuổi thơ không có cánh diều

Tuổi thơ của Bình và chúng bạn hiện lên không phải bằng những cánh diều, những hòn bi ve hay những con cào cào, châu chấu. Thời thơ ấu của các em gắn liền với những chiếc máy bay Sinuk, máy bay HU1B, những chiếc máy cày D7 và cả những hàng rào bằng giây kẽm gai bên ngoài doanh trại của lính Mỹ. Trò chơi thú vị nhất của bọn trẻ, có lẽ là việc chui qua hàng rào dây kẽm gai để lấy trộm vài thùng quân lương của lính Mỹ. Lũ trẻ háu đói ăn ngấu nghiến những viên chocolate và kẹo caramel mà không biết rằng: những món ăn ngon lành đó đôi khi được đánh đổi bằng sự bình yên của chính bản thân mình.

Độc giả không khỏi xót xa khi một đứa trẻ tầm mười tuổi như Bình không biết đến cánh diều. Biết làm sao được, khi những chiếc máy bay quân sự đã chiếm lấy bầu trời của các em. Được thả diều trên cánh đồng lộng gió đã trở thành ước mơ quá xa vời. Bởi nguy hiểm, cái chết cùng một tương lai vô định đang chờ bọn trẻ ở phía trước.

Tuổi thơ không có cánh diều là tập truyện dài đầu tiên Nguyễn Trí viết cho thiếu nhi. Tác giả đã khắc họa một bức tranh sống động về tuổi thơ của con cái những người lính cộng hòa trong các khu gia binh. Bằng giọng văn giả dị, thô ráp, đầy bình thản nhà văn đã gieo vào lòng bạn đọc nhỏ tuổi một câu chuyện đẫm buồn về tuổi thơ thời chiến. Trong chiến tranh người ta luôn tìm cách phân định bởi những danh giới giữa chính nghĩa và phi nghĩa, nhưng nỗi đau bởi bom rơi, đạn lạc thì không chừa một ai.

Nguyễn Trí là một nhà văn “tay ngang”, hơn 50 tuổi ông mới bắt đầu cầm bút và nổi lên như “hiện tượng” của văn đàn với tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương dành giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam 2013. Đến năm 2014, tác giả không làm độc giả thất vọng khi cho ra mắt tập truyện Đồ tể. Năm 2015, nhà văn tiếp tục cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Thiên đường ảo vọng. Văn của Nguyễn Trí rất thật, thật như thể ta nghe ông kể chuyện đời mình. Với Tuổi thơ không có cánh diều là câu chuyện buồn của những đứa trẻ đã bị chiến tranh cướp mất tuổi thơ.

Theo Zing

sách