Vở diễn “Huyền thoại anh hùng” của đạo diễn Hoàng Duẩn nhận huy chương vàng
Vừa qua, tại Trung tâm Văn hoá Tỉnh Kiên Giang đã diễn ra Lễ bế mạc Hội thi tiểu phẩm tuyên truyền Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hoá Việt Nam” (trước đây hội thi có tên gọi là Hội thi sân khấu cải lương Hương sắc Cửu Long) vở cải lương nói về người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực “Huyền thoại anh hùng” của đơn vị Kiên Giang là một trong 4 vở diễn đã xuất sắc được nhận Huy chương vàng của cuộc thi.
Vở diễn “Huyền thoại anh hùng” của đạo diễn Hoàng Duẩn nhận huy chương vàng
Đạo diễn Hoàng Duẩn và ThS Lê Ngọc ( Giám đốc TTVH Kiên Giang) chỉ đạo nghệ thuật.
“Huyền thoại anh hùng” là vở diễn được dàn dựng bởi Đạo diễn Hoàng Duẩn, một cái tên luôn có “duyên” với những vở diễn mang tính lịch sử. So với phiên bản “Khí phách người anh hùng” (Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 155 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868 – 2023) được tổ chức tại Quảng trường Trần Quang Khải vào ngày 9/10) vừa qua thì ở bản dựng lần này đạo diễn Hoàng Duẩn đã khai thác sâu hơn, cho khán giả thấy rõ hơn về sự đấu tranh anh dũng kiên cường của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, của nghĩa quân, cũng như tấm lòng nhân dân đối với sự hy sinh của Ông. Sự tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai với những mưu hèn kế bẩn vẫn không khuất phục được anh hùng Nguyễn Trung Trực, phó tướng Lâm Quang Ky, nữ tướng Bích Hà,… để từ đó mang đến cho người xem những cái nhìn toàn diện và thấm đẫm cảm xúc về những nhân vật lịch sử đã trở thành niềm tự hào của nhân dân Kiên Giang nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Vở được dàn dựng rất quy mô, hoành tráng
Vở cải lương đã chọn lát cắt tiêu biểu nhất để phát triển các tình huống điển hình. Bắt đầu là không khí chiến thắng của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã chiếm đồn Rạch Giá, trong tiếng nhạc hào hùng “Anh khí như hồng” nghĩa quân đã tập luyện binh võ thật quyết tâm, đầy khí phách. Thế nhưng, liền sau đó là tiếng cấp báo từ khắp các cánh quân báo về, nhiều nghĩa quân, tướng sĩ lâm trận đã hy sinh, tình thế cấp bách buộc Nguyễn Trung Trực phải hành động gấp.
Vì muốn vị chủ tướng phải sống để tiếp tục đấu tranh trong công chống Pháp, nên Lâm Quang Ky đã quyết định hy sinh thân mình hòng qua mặt giặc để chủ tướng Nguyễn Trung Trực lui về Phú Quốc. Cảnh trao lại áo choàng của Nguyễn Trung Trực và Lâm Quang Ky đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả, bởi cách xử lý tình tiết đặc sắc của đạo diễn và tài năng biểu diễn của hai diễn viên Nguyễn Văn Khởi (vai Nguyễn Trung Trực) và Hoàng Quốc Thanh (vai Lâm Quang Ky).
Một số cảnh trong vở diễn
Chứng kiến nhân dân bị đàn áp, mỗi ngày chúng bắn thêm vài người nếu Nguyễn Trung Trực không đầu hàng. Ông đã chấp nhận để giặc bắt, trong cuộc chiến cuối cùng, chúng ra sức dụ dỗ, lôi kéo ông về để được phong soái, hưởng lợi nhưng với tinh thần không chịu khuất phục, trước họng súng của giặc Nguyễn Trung Trực hiên ngang nói: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây". Có thể nói, lớp diễn đặc sắc nhất của vở diễn chính là trước khi hành quyết, bất chấp sự ngăn cấm của bọn giặc nhân dân đã xông vào trên tay cầm những chiếc chiếu được dệt chữ “Thọ” ở giữa để trải đường cho ông ra pháp trường, thể hiện sự tôn kính và tỏ lòng tiếc thương vô hạn. Ngày 27/10/1868, thực dân Pháp đã xử chém ông tại Rạch Giá, khi mới 30 tuổi và Nguyễn Trung Trực đã trở thành tượng đài trong lòng dân tộc.
2 huy chương vàng cá nhân dành cho Nguyễn Văn Khởi (vai Nguyễn Trung Trực) và Hoàng Quốc Thanh (vai Lâm Quang Ky)
Với cách dàn dựng hiện đại, sắp xếp bố cục hiệu quả, tiết tấu nhanh, những câu vọng cổ được đặt đúng vị trí cần thiết, cộng với những chất liệu âm nhạc đặc sắc, diễn xuất tài tình của ê kíp diễn viên, vở diễn đã để lại cho khán giả những cảm xúc vô cùng thiêng liêng.
Vở cải lương “Huyền thoại anh hùng” (Tác giả: Phạm Văn Đằng – Đình Duy; đạo diễn: Hoàng Duẩn, Hoạ sĩ: Tấn Thành, Chỉ đạo nghệ thuật: Th.S Lê Ngọc – Giám đốc TTVH Tỉnh Kiên Giang), các nghệ sĩ tham gia: Chuông vàng Vọng cổ Nguyễn Văn Khởi (vai Nguyễn Trung Trực), Hoàng Quốc Thanh (vai Lâm Quang Ky), Bích Trâm (vai Lê Kim Định - vợ Nguyễn Trung Trực), Minh Trí (vai Huỳnh Công Tấn) Như Ý (vai Bích Hà), Hoàng Thanh (vai Bô Lão),…
Sự xuất sắc của tập thể sáng tạo đã mang về cho Trung tâm Văn hoá tỉnh Kiên Giang thành tích: 01 Huy chương Vàng cho vở diễn; 02 huy chương vàng cá nhân dành cho Nguyễn Văn Khởi (vai Nguyễn Trung Trực), Hoàng Quốc Thanh (vai Lâm Quang Ky); 01 Huy chương Bạc dành cho Bích Trâm (vai Lê Kim Định - vợ Nguyễn Trung Trực), Ngoài ra vở diễn còn được BTC trao Giải âm nhạc xuất sắc nhất dành cho nhạc sĩ Lê Nghĩa.
Anh Khôi
Có thể bạn quan tâm
- “Nổi da gà" với những vấn nạn xã hội được VP BAVUONG đặt để trong MV Xương Rồng
- Hot girl Idol chính thức debut với nghệ danh Giana
- Nghệ sĩ Trúc Thy “bắt tay” đạo diễn Bá Cường thực hiện MV Mẹ Thiên Nhiên