Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn và hành trình 30 năm chuyên nghiệp

Sandien24h.vn Triển lãm cá nhân “Một hành trình” của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn sẽ khai mạc vào sáng ngày 22/02/2025 tại Sann - The house of Art (Nhà trưng bày triển lãm thành phố 92 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM). Triển lãm kỷ niệm 30 năm chuyên nghiệp của Bùi Tiến Tuấn sẽ diễn ra song song ở 106 –Nguyễn Văn Hưởng – Phường Thảo Điền – TP Thủ Đức bày hơn 90 tác phẩm nhiều thể loại.

Khi còn là sinh viên (những năm 1994-1995), Bùi Tiến Tuấn đã tập tành sáng tác, đến nay xem lại những tác phẩm thời kỳ này, vẫn thấy được ý hướng thẩm mỹ mà anh đã theo đuổi, khám phá suốt 30 năm qua. Vì vậy mà, triển lãm song hành và nhìn lại lần này mới có tên là “Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình/ An artistic exploration”.

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn và hành trình 30 năm chuyên nghiệp

Từ cuối thập niên 1 của thế kỷ 21, thế hệ Bùi Tiến Tuấn (chỉ vài người thôi) đã có công giúp hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam. Mấy thập niên liền trước đó, tranh lụa như bị thoái trào, vì nhiều quan niệm hơi cũ kĩ, nặng lối mòn tuyên truyền, ngay trong trường mỹ thuật cũng hơi bị xem nhẹ. Quan trọng hơn, là do thiếu nhân tố sáng tác mới, đủ hấp lực, để thu hút tầm quan tâm của cộng đồng mỹ thuật.

30 năm sáng tác, Bùi Tiến Tuấn không chỉ có tranh lụa - vốn đang rất chín muồi - mà còn có tranh sơn dầu, giấy dó, sơn mài, gần đây là tranh acrylic khổ lớn.

Vì có nhiều công phu trong việc hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam, với dấu ấn khá riêng biệt, nên tên tuổi Bùi Tiến Tuấn được mặc định với chỉ riêng tranh lụa, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nhìn lại hành trình 30 năm sáng tác, Bùi Tiến Tuấn không chỉ có tranh lụa - vốn đang rất chín muồi - mà còn có tranh sơn dầu, giấy dó, sơn mài, gần đây là tranh acrylic khổ lớn.

Bùi Tiến Tuấn không chỉ có chủ đề thiếu nữ thị thành, phù phiếm, yêu kiều, mà còn có phong cảnh Hội An thơ mộng, hiện thực đường phố trần trụi, tinh thần hậu biểu hiện và cả trừu tượng. Ở bất kỳ vật liệu, chất liệu, hoặc đề tài nào, Bùi Tiến Tuấn cũng luôn tỏ rõ sự sung mãn, quyến rũ và đặc biệt là giữ được bản sắc, phong cách của riêng mình.

Giám tuyển Lý Đợi nhận xét: “Nhìn lại hơn 90 năm của hành trình tranh lụa Việt Nam, thấy Bùi Tiến Tuấn khá giống tiền bối Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) ở khía cạnh tạo thân phận cho các nhân vật đời thường. Những phụ nữ của cả hai như chiếm trọn không gian của cả bức tranh, đôi khi lấn lướt, thay thế mọi sự, mọi vật. Nếu so với cấu trúc phổ biến kiểu thiên-địa-nhân của một bức tranh lụa truyền thống (trừ tranh thờ, tranh vẽ vua quan), thì Bùi Tiến Tuấn chỉ lấy nhân làm trung tâm, đôi khi không cần thiên hoặc địa.

Nhìn lại lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam, trừ những tranh lụa được vẽ vì mục đích chiến đấu, tuyên truyền là có mang thân phận của một tập thể, một tinh thần cách mạng, một nhóm lao động - sản xuất, còn đa số (chắc trên 75%) chỉ có hình thể, bố cục, hành động… chứ không có thân phận cá nhân, hoặc có thì khá mờ nhạt, chỉ như một cái cớ nhỏ của tạo hình, của thị giác.

Phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn thường không có dấu vết của nông thôn và nông nghiệp, mà thường là dân thị thành, chuộng thời trang, đôi khi hơi phù phiếm, thụ hưởng. Họ yêu mến và đề cao bản thân, tự lập trong suy nghĩ và hành vi của mình. Vì tự lập nên nỗi niềm, sự hân hoan, thậm chí sự cô đơn của họ cũng rất khác với những người phụ nữ lao động, tảo tần vì cuộc sống. Vì vậy mà bảng màu tranh lụa Bùi Tiến Tuấn cũng khác, thời trang hơn, tân kỳ hơn, tạo được sự phá cách”.

Những nàng xuân (lụa)

Tĩnh vật (sơn dầu)

Những thiên thần đêm 2 (giấy dó)

Họa sĩ Đức Hòa cho biết: “Bùi Tiến Tuấn đã trở thành một trong những tên tuổi sáng giá của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam đương đại. Khác biệt và độc đáo ở chỗ nếu đa số họa sĩ chuyên lụa vẽ nhân vật nữ đứng yên hoặc nằm yên, lặng lẽ và kiều diễm thì Tuấn vẽ nhân vật rất chịu biến hóa, ngả nghiêng và bay lượn thỏa thuê theo các đường hướng táo bạo đầy lãng mạn, tạo hình nhân vật theo chủ kiến của tác giả, có cả ‘bóp hình’ và ‘buông’, cả ‘co’ và ‘duỗi’, cả ‘phình to’ và ép gọn thành một nét sắc lẹm hay một điểm nhấn, không chịu bó buộc của sự thật theo mắt nhìn… Với tôi, đó là nghệ thuật”

Họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang:“Tôi và Bùi Tiến Tuấn không cùng tuổi, nhưng học cùng năm. Nhờ có hai năm học căn bản chưa phân khoa cùng nhau, tôi thân với anh. Vậy nên ra trường, dù không thường xuyên gặp mặt, không thường xuyên chia sẻ nhưng những giai đoạn, những cột mốc quan trọng trong hành trình sống và làm nghệ thuật của anh tôi đều có mặt.

Đã có rất nhiều băn khoăn trăn trở, đã có rất nhiều trải nghiệm, đổ vỡ trên hành trình này, nên tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc thay cho Tuấn, khi cuối cùng anh đã kiên định đuổi bắt và đạt được những thành công rực rỡ trong hội họa. Thành công, với tôi, được đánh giá không chỉ gói ghém trong việc có tranh đẹp, bán tranh tốt, mà còn là làn gió mới mát lành mà anh đã mang đến cho nền tranh lụa đương đại của Việt Nam.

Ba mươi năm chơi với nhau, tôi thấy tính cách của Tuấn vẫn như ngày đầu. Vẫn là sự hồn hậu, trong sáng, thuần khiết mà đáng lẽ trải qua bể dâu, so đo tính toán của cuộc đời, thường sẽ bị thay đổi. Có lẽ nhờ thế mà màu sắc trong tranh của Tuấn vẫn luôn đẹp và trong veo như vậy. Tôi yêu cách anh tạo ra những không gian, mảng miếng lớn trong vắt trên tranh, tôi khâm phục khả năng đi nét uyển chuyển, thần sầu của anh. Chúng tôi mỗi người có một quan niệm riêng về Nghệ thuật để dấn thân, nhưng đứng trước những trong trẻo ấy tôi luôn thấy lòng mình rung động và để mặc cho những cảm xúc nhẹ nhõm, ấm áp ấy run rẩy lan tỏa trong lòng mình.

Chắc cũng rất ít người biết, Bùi Tiến Tuấn là người đầu tiên cho tôi một vài “bí kíp” trong việc vẽ tranh lụa. Anh cũng luôn ngại ngùng mỗi khi trong triển lãm, tôi khoe với mọi người anh đã hướng dẫn tôi vẽ tranh lụa từ những ngày đầu bỡ ngỡ ra sao. Với tôi, một ngày dạy cũng là thầy, tôi thật sự biết ơn những ngày tháng đó, biết ơn những kiến thức căn bản quan trọng mà anh đã truyền cho tôi bên ly cà phê trong những quán nhỏ của Sài Gòn.

Ba mươi năm không dài không ngắn nhưng là bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, đam mê để định hình nên một phong cách, một thành công, một vị trí. Ba mươi năm, tình cảm sâu sắc với nghề, với bạn bè vẫn trước sau như một”

Tuổi thần tiên 4 (acrylic)

. Một thoáng xuân thì (lụa)

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi: “Xác định rằng đây không phải là những phơi bày thô tục của nhục dục, hội họa của Bùi Tiến Tuấn không dừng lại ở sự gợi cảm đơn thuần, mà là sự tôn vinh thân thể trong không gian "sắc không" của vũ trụ. Những nét cọ của anh không hề có sự hối hả của dục vọng mà thấm đẫm sự tĩnh lặng của suy tư, của một sự chiêm nghiệm sâu xa về bản thể.

Người họa sĩ có thể nào lược bỏ đi tính dục hay sự gợi cảm trong tranh khỏa thân? Điều đó là bất khả. Bởi lẽ, thân thể con người tự nó đã mang trong mình một thứ ma lực cuốn hút, mà khi đặt trong nghệ thuật, nó trở thành một nguồn năng lượng thiêng liêng.

Quan trọng không phải là cách người xem phán xét đúng sai, mà là cảm giác mà tác phẩm mang lại. Một bức tranh khỏa thân thành công là khi nó đánh thức trong người xem một thế giới mộng tưởng, có lúc si mê cuồng vọng, có khi lại là sự mời gọi dịu dàng của bản năng nguyên sơ "Hãy ngồi xuống đây. Như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng / Dưới nắng ban mai, phô thân trần truồng, kiếp sống hoang sơ…" (Lê Uyên Phương).

Vì hội họa khỏa thân tự nó đã là một fantasme, chuyên chở những khát khao ẩn giấu của con người, phản ánh bản năng sâu thẳm trong thú vui trần thế. Đó không chỉ là hình ảnh, mà còn là những cảm xúc không thể gọi tên, những ham muốn vượt qua giới hạn của lý trí”.

Trừu tượng (sơn dầu)

Nhà sưu tập Quách Cường: “Trần trụi nhưng không trần tục, cũng là một thành công của tác phẩm của Bùi Tiến Tuấn. Vì vẽ trần trụi mà khiến người xem thấy ngọt ngào, tươi trẻ, muốn nâng niu, tôn thờ hơn là nặng nề dục tính lại càng khó khăn hơn. Hình ảnh các cô gái rũ rượi chơi đùa với thanh xuân trong tranh anh mong manh như sương mai, không ai nỡ chạm, như lại khơi dậy rất nhiều bản năng sở hữu. Ngoài ra, có lẽ người ta cũng tò mò với các tư thế của “mẫu” trong tranh Bùi Tiến Tuấn, các nàng dường như không có xương, tự do tuyệt đối khi sử dụng thân thể của mình - điều này cũng khiến cho tranh Bùi Tiến Tuấn nhìn mềm mại hơn trên các chất liệu khó mà anh yêu thích: giấy dó, lụa… Đặc biệt là lụa - một chất liệu vẽ khó trong mắt những người có chuyên môn”.

Nhịp võng (giấy dó

Tác phẩm Lễ hội phù hoa (acrylic)

Nhà sưu tập Đỗ Tú Anh: “Tạo hình của anh, vừa ngọt ngào và phóng khoáng, lại vừa lãng mạn và đương đại. Những nhân vật nữ của anh, vừa nữ tính và tinh nghịch, vừa phồn thực và ngây thơ. Không có một khuôn khổ nào khi anh lựa chọn góc nhìn cho người ngắm tranh. Bùi Tiến Tuấn ấn tượng và cảm hứng với mọi khoảng khắc bất chợt trong chuyển động của người con gái, như anh chụp được một khoảng khắc thoáng qua. Ngắm một triển lãm của Bùi Tiến Tuấn như ngắm vô số chuyển động nhanh và hào hứng, vui nhộn tới mức trạng thái khỏa thân đầy tế nhị hầu như biến mất. Không một gợi cảm tính dục nào làm xao động tâm trí, những nhân vật của anh như vô số nàng tiên thuần khiết trong vườn địa đàng, trước khi thủy tổ của chúng ta ăn trái táo. Cảm giác duy nhất là dòng nhựa sống chảy tràn, làm hồng cả những đôi má u sầu nhất. Trái ngược với chất liệu lụa thường nền nã và gợi chi tiết, Bùi Tiến Tuấn chọn một phong cách thủy mặc, đối lập một cách tao nhã trên nền đồ họa. Mô tả thịt da với những nét bút thủy mặc dứt khoát, thường thấy trong những ký họa giấy dó, từ các bậc cha chú của làng hội họa, đến đám sinh viên mỹ thuật hào hứng với khám phá khỏa thân”.

Triển lãm “Một hành trình” của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn kéo dài đến hết ngày 9.3.2025.

Theo Minh Anh Báo Giáo dục 

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn , hành trình 30 năm chuyên nghiệp , Triển lãm cá nhân Một hành trình